ĐÔI BỜ QUÊ TÔI
CHÀO MỘT NGÀY MỚI
Lời của danh nhân.
Gốc > VỀ GIA LAI - PLEIKU THÂN YÊU! >
Cao Thị Kiều Oanh @ 19:14 14/11/2011
Số lượt xem: 589
Văn hoá các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên
Văn hoá các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên được hình thành chủ yếu trên nền kinh tế nông nghiệp nương rẫy, tự cấp tự túc phụ thuộc vào thiên nhiên. Về phương diện xã hội, nếp sống nương rẫy duy trì các quan hệ xã hội cộng đồng, cộng đồng gia tộc mẫu hệ. Rừng là môi trường sinh thái chủ yếu đối với người Tây Nguyên.
Người Jrai sinh sống chủ yếu ở Gia Lai và Kon Tum, có số dân tương đối đông, gồm 250.000 người (năm 1999). Jrai là một tộc người có quá trình phát triển lịch sử lâu dài. Vào giữa thế kỷ XV, xã hội người Jrai đã phát triển cao, thành một xã hội có mầm mống sơ khai của nhà nước. Tuy vậy, do sự biệt lập về địa lý, ít nhiều bị tách khỏi thế giới bên ngoài...xã hội người Jrai vẫn chững lại ở giai đoạn tiền nhà nước.
Người Jrai đã thể hiện tài hoa và khiếu thẩm mỹ của mình qua nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ, qua kiến trúc nhà cửa và qua trang phục.
Hầu như ở nhà mồ nào của người Jrai cũng có tượng ngồi ôm mặt khóc đặt quanh mả, tượng đàn ông hoặc tượng đàn bà đội mâm gỗ đựng thức ăn để dâng người chết, tượng đàn ông búi tóc đứng đánh trống, tượng phụ nữ giã gạo, tượng người đóng khố cưỡi voi... Điều đáng lưu ý là các tượng đó được chế tác bằng những công cụ sản xuất như rìu, rựa, dao (không phải những công cụ nghề nghiệp) và từ những nguyên liệu thông dụng vốn có ở địa phương.
Ngoài khu vực nhà mồ, ở cầu thang, xà nhà, sàn nhà của đồng bào đều có những hình điêu khắc có ý nghĩa tượng trưng, phản ánh một kiểu tư duy hồn nhiên của người xưa, phản ảnh ước mơ, nguyện vọng về sự phồn vinh, giàu có, ấm no.
Nhà rông là biểu tượng văn hoá của tộc người Jrai cũng như của một số tộc người khác ở Tây Nguyên...Nhà rông dân gian luôn gắn liền với cộng đồng buôn làng. Trong quan niệm đồng bào từ xưa đến nay thì nhà rông là nơi cư trú của thần linh, nơi diễn ra phần lớn các hoạt động liên quan đến thế giới tâm linh của cộng đồng.
Ngôi nhà rông là nơi bàn bạc việc tổ chức sản xuất, săn bắn, chiến đấu, tổ chức các sinh hoạt nghi lễ và lễ hội, là nơi truyền dạy nghề cho lớp trẻ và là nơi trưng bày những hiện vật tiêu biểu cho truyền thống của cộng đồng làng trong săn bắn, sản xuất, lễ hội. Nhà rông thường được xây dựng ở trung tâm buôn làng, trước mặt có khu đất rộng để có thể tiến hành các lễ hội văn hoá dân gian như lễ đâm trâu, tụ tập bà con để tiến hành các sinh hoạt tập thể.
Qua những trang phục như quần áo khố hoa đã chứng tỏ năng khiếu thẩm mỹ, tài thêu dệt, cách sử dụng màu sắc của tộc người Jrai và đặc biệt là của phụ nữ. Hầu như tất cả phụ nữ Jrai đều biết dệt. Trước đây các em bé học dệt từ 13-14 tuổi. Những đường thêu kết thành tấm vuông đỏ trước ngực áo nam giới trông khoẻ mạnh, thể hiện lòng dũng cảm. Việc sử dụng hạt Tơrơlết làm hạt cườm hình trụ màu ngà ở các tua khố, áo là một sáng tạo rất thú vị...
Trong đời sống văn hoá tinh thần của người Jrai thì chiêng rất phổ biến, sinh hoạt đánh chiêng rất điêu luyện và được hâm mộ, nhạc chiêng phát triển cao, có thể đánh được các làn điệu dân ca. Nhạc chiêng cồng còn được phát triển bằng cách tăng cường bộ đệm (chiêng núm) từ 3 đến 4 chiếc đánh cùng một lúc tạo nên một hợp âm quãng 8 song hành. Trống được phối hợp với chiêng để tăng thêm khả năng biểu hiện.
Các gia đình, các làng có một tập tục truyền thống là rất tôn trọng và tự hào về bộ chiêng của làng và của gia đình mình. Một bộ chiêng quý xưa được đổi bằng voi, bằng hàng chục con trâu bò. Một hình ảnh đẹp được nhắc lại rất nhiều lần trong các bản brikhan cổ là "nhà tràn đầy nồi đồng, chiêng núm, chiêng bằng, ché tuk, ché tang". Chiêng vừa là của cải vật chất vừa là văn hoá phẩm.
Sinh hoạt chiêng của người Jrai đã trở thành một sinh hoạt văn nghệ truyền thống có tính quần chúng rộng rãi, sâu sắc, có sức thu hút cổ vũ mạnh mẽ. Ngày nay, Gia Lai còn lưu giữ 5.117 bộ cồng chiêng, duy trì 300 đội văn nghệ quần chúng ở các làng, xã, huyện trong tỉnh.
Đàn goong được sử dụng rộng rãi, âm thanh hay, khả năng biểu đạt cao. Đàn Kni âm thanh nhỏ nhưng là thứ đàn đặc sắc.
Có thể nói Tây Nguyên là một vùng đất đa dân tộc, đa văn hoá với rất nhiều đặc trưng, nhiều sắc thái văn hoá độc đáo, huyền thoại mà rất nhiều người muốn khám phá, tìm hiểu về nó.
(Theo đời sống văn hoá các dân tộc thiểu số)
Cao Thị Kiều Oanh @ 19:14 14/11/2011
Số lượt xem: 589
Số lượt thích:
0 người
 
- Quê hương Anh hùng A Sanh - Điểm du lịch thú vị khi đến Gia Lai (05/07/11)
- Bok Wừu trong nỗi nhớ của người thân (24/04/11)
- Nhớ Anh hùng Núp (24/04/11)
- Giới thiệu khái quát về tỉnh Gia Lai (28/03/11)
BẠN ĐẾN THĂM TÔI!